Thursday, March 28, 2024

10.500 years old chared fruit stone fragments of Canarium fruit as food remains excavated in the Hoabinhian cave of Con Mong (Thanh Hoa, Vietnam)

 

During excavation 2004 in Du Sang rock-shelter ( Kim Boi, Hoa Binh)

 

Muong' weaving decoration with phoenix and dragon designs (Muong Textile Study)

 

PEG-treating in conservating a dongsonian dugout log coffin of 2300 years old

 

Vegetable remains excavated in 2100 years old Dong Xa burial field of the Dong Son culture (Kim Dong, Hung Yen, Vietnam)

 

DrNguyenViet.com > News > Scientific Activities



Hội nghị quốc tế về quá trình Tụ cư và Khảo cổ học cư trú thời kỳ nhà Hán [9/28/2010]

 

Hội nghị quốc tế về Văn hóa Hán
và vấn đề thời thuộc Hán ở Việt Nam

Nguyễn Việt
Ngày 20.9.2010, Hội nghị quốc tế lần thứ tư về “Hiện tượng Tụ cư (urban) và Khảo cổ học cư trú (settlement archaeology) trong các nền Văn hóa thời đế quốc Hán” đã kết thúc tại Nội Hoàng (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Từ năm 2004, cứ hai năm một lần các nhà khoa học trên thế giới quan tâm đến hiện tượng văn hóa lịch sử nổi bật nhất ở Đông Á vào khoảng 200 năm trước và 200 năm sau công nguyên này, lại ngồi lại với nhau để công bố những phát hiện và nghiên cứu mới về nền văn hóa của một đế chế có thời gian tồn tại dài vào loại nhất trên thế giới này. Hội nghị gần đây nhất lấy trọng tâm là Văn hóa thời Hán ở nước Nam Việt họp ở Quảng Châu năm 2008 với sự góp mặt của 6 nhà nghiên cứu Việt Nam. Hội nghị lần này lấy trọng tâm nghiên cứu về vấn đề thành thị hóa và khảo cổ học cư trú trong thời Hán. Trong số gần 200 đại biểu đa phần đến từ các tỉnh, thành, khu tự trị, đặc khu của Trung Quốc, Hội nghị còn có sự góp mặt của các nhà khoa học Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Chính phủ tỉnh Hà Nam và huyện Nội Hoàng, nơi đăng cai tổ chức Hội nghị đã phối hợp với các chuyên gia của Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc tổ chức thành công ba ngày tham luận và tham quan di tích mới khai quật trong vùng.

Hội nghị năm nay dành nhiều thời gian cho vấn đề cư trú nông trại thời nhà Hán, dựa trên kết quả khai quật và hoàn thiện bảo tàng ngoài trời khu di tích nông trại Tam Dương Trang. Cuộc khai quật kéo dài hàng chục năm đã làm xuất lộ một đơn vị cư trú hộ nông dân đặc trưng thời Hán, gồm nhà ở, kho bếp vách đất có lợp ngói, sân, ao lạch và đặc biệt là hệ thống ruộng vườn xung quanh với những rãnh, luống còn như mới. Hiện vật còn lại chủ yếu bằng đá, như cối, giã, cối xay đều phục vụ việc gia công sản phẩm ngũ cốc của nông trại. Hàng triệu USD đã được đầu tư để biến diện tích khai quật hàng ngàn mét vuông này thành một hệ thống bảo tàng ngoài trời với nguyên trạng khai quật, phòng trưng bày, phòng chiếu phim và nơi làm việc của bộ máy nhân viên đang tiếp tục triển khai những khai quật và nghiên cứu tiếp ở trong vùng. Thông qua bảo tàng ngoài trời này, người đến tham quan sẽ dễ dàng hiểu được nội dung văn hóa lịch sử đương thời, đồng thời đặt cơ sở vật chất cho công cuộc nghiên cứu lâu dài tiếp theo. Đây là một mô hình nghiên cứu rất đáng để cho chúng ta học tập.

Một trọng tâm không kém phần hấp dẫn của Hội nghị lần này chính là cuộc viếng thăm và thảo luận về ngôi mộ gạch mới phát hiện ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), được cho là mộ của Tào Tháo – nhân vật lịch sử nổi tiếng thời Tam Quốc (cuối thế kỷ 2, nửa đầu thế kỷ 3 sau Công nguyên). Đó là một kiến trúc hầm mộ gạch cỡ trung gồm hai vòm chóp nhọn nối thông nhau và bốn gian ngách hai bên. Hầm mộ gạch được xây sâu dưới mặt đất hiện tại chừng 12-15m. Tại phần chop gian phía sau có hai lỗ thủng lớn do những người đào trộm cổ vật tạo ra gần đây. Đa số đồ tùy táng quý đã bị lấy mất, chính vì thế việc xác nhận rằng đây là mộ Tào Tháo chỉ còn có thể dựa trên một vài chữ có liên quan đến tước hiệu của vị Ngụy Vương nổi tiếng này trên một phiến đá còn sót lại trong mộ. Việc thiếu tư liệu do ngôi mộ bị xâm hại nặng nề từ trước đã gây ra nhiều tranh luận học thuật từ ngay sau khi được các nhà khảo cổ học phát hiện. Cuộc hội thảo khoa học chính thức do Viện Khảo cổ học Trung Quốc tổ chức ở Bắc Kinh cách đây gần một năm đã dưa ra kết luận xác nhận đây là mộ Tào Tháo dựa trên phiến đá có ghi chữ, thanh kiếm lưỡi sắt và ba viên ngọc quý còn sót lại trong mộ. Tuy nhiên còn nhiều dữ kiện chưa thỏa đáng dẫn đến không ít ý kiến trái chiều. Vì vậy, Hội nghị quốc tế lần này là một dịp tốt để mọi chuyên gia có thể tham quan lại ngôi mộ và di vật còn lại, làm cơ sở cho một hội thảo khoa học chuyên đề tổ chức ngay buổi tối hôm đó. Do tính chất “tế nhị” của vấn đề (liên quan đến đầu tư và chương trình quảng bá phục vụ du lịch) kết quả hội thảo sẽ chính thức được Ban tổ chức hội thảo công bố. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm khai quật mộ thời Hán nói chung, nhiều nhà khảo cổ không thực sự tin tưởng rằng quy mô và chất lượng đồ tùy táng có thể tương ứng với tầm cỡ của một nhân vật như Tào Tháo. Nhiều khả năng đây chỉ là “một trong số những mộ Tào Tháo”. Tương truyền, sinh thời làm chính khách gây nhiều thù oán nên trước khi chết, Tào Tháo đã ngầm cho xây dựng tới 72 ngôi mộ cho mình, nhằm không để người đời sau đào mả trả thù.

Hội nghị có ba báo cáo liên quan đến di vật, mộ táng và dòng họ Lý thời Hán ở Việt Nam. Vấn đề thời Hán ở Việt Nam là một đề tài nhậy cảm do quan niệm truyền thống được các sử gia phong kiến truyền lại đã đè nặng lên chúng ta một thời Hán thuộc. Tuy nhiên những nghiên cứu gần nhất ở cả Trung Quốc lẫn quốc tế cho rằng văn hóa thời nhà Hán là một nền văn hóa đa tộc chứ không phải là thuần túy Hoa Hạ. Đặc biệt, văn hóa Hán ở Lĩnh Nam chỉ là những ảnh hưởng thượng tầng đan xen với văn hóa Yue (Việt) truyền thống và tạo ra một bản sắc địa phương riêng tác động trở lại văn hóa Trung Nguyên. Chính vì vậy, kết thúc vương triều Hán ở cuối thế kỷ 2 là sự trở lại của hai nhà nước phương nam vốn có nguồn gốc phi Hoa Hạ (Ngô và Thục) trong số ba nước tranh dành bá chủ thiên hạ. Nghiên cứu AND xương người chết chôn trong các hầm mộ thời Hán ở Lĩnh Nam do nhóm các nhà khoa học Đại học Hạ Môn (Trung Quốc) tiến hành cho thấy chủ nhân mộ đa phần là người Yue (Việt). Vì vậy, từ rất lâu nay, trong thuật từ khoa học người ta không dùng khái niệm “văn hóa Hán” dễ gây nhầm lẫn với văn hóa của người Hoa Hạ (do khái niệm “Hán” bao hàm chỉ người Hoa Hạ) mà dùng chữ “văn hóa kiểu Hán” – “Han style”.

Từ năm 110 trước Công nguyên, một phần phía bắc đến tận miền trung Việt Nam ngày nay thuộc vào đất quận huyện của đế quốc Hán mang tên Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Số nhân khẩu nộp thuế vào khoảng trước sau Công nguyên lên đến hơn 1 triệu người. Số mộ gạch kiểu Hán (phổ biến ở thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên) có tới hàng ngàn ngôi, phân bố chủ yếu ở Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa. Đây là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam, bởi lẽ nó tạo ra chuyển biến từ hình thái tổ chức xã hội nhà nước sơ khai (Âu Lạc) thành hình thái nhà nước phong kiến. Câu nói nổi tiếng của giáo sư Phạm Huy Thông, viện trưởng đầu tiên của Viện Khảo cổ học nước ta :”Nhờ chống Hán, Đường mà ta lại chính là ta” hàm ý nhắc nhở các nhà khoa học Việt Nam phải chú trọng nghiên cứu văn hóa thời bắc thuộc. Bởi chính nền văn minh Đại Việt đã nảy chồi trực tiếp từ nền tảng văn hóa Việt gốc trong thời Bắc thuộc đó.

 

 

OTHERS NEWS



[11/27/2010] International Seminar : "The Traces of Ye Lang Culture in Vietnam

[5/2/2010] 40 năm phục dựng mặt người Việt cổ

[10/13/2008] Bóc tách mặt cắt địa tầng in situ

[10/12/2008] Ngày Hội của những người yêu thích Cổ vật và Cây cảnh

[10/3/2008] Bảo quản "Cụ Rùa" và làm phiên bản hai bộ xương mẹ con Đười Ươi cho Bảo tàng Hoà Bình

[10/3/2008] Hội nghị Thông báo Khảo cổ học hàng năm 30/9 và 1/10/2008

[10/1/2008] Chủ tịch Trần Đức Lương thăm một số điểm nghiên cứu văn hoá Hoà Bình tại tỉnh Hoà Bình

[8/10/2008] Ceremonial opening the Vietnamese Archaeology Association (VAA)

Top  |   Print |   Email


 

Web Design by thietkeviet.com - © Copyright 2008 - 2024 by Dr. Nguyen Viet. All rights reserved.