Sunday, September 15, 2024

Skull at Bach Dang poles excavation

 

Studio via modern X-ray film to controle relationship between facial sorf tissues and facial bone (Project : Facial reconstruction for prehistoric human skulls)

 

Studing in a bronze casting workshop in Lang Rong (Van Lam, Hung Yen)

 

Hmong twisting hemp fibres (Hmong textile study)

 

Muong megalith tomb in 17th - 18th century (Kim Boi, Hoa Binh)

 

DrNguyenViet.com > News > Discoveries



Người trao chìa khóa thành Đại La cho Lý Công Uẩn [1/11/2010]

 

Ai là người trao “sổ đỏ”thành Đại La cho Lý Công Uẩn ?


Nguyễn Việt

Thành Đại La bản chất là tòa thành thuộc Tùy Đường khi trở thành kinh đô Thăng Long vào tháng 7 năm 1010 đã là một kinh đô Đại Việt được chuẩn bị hoàn tất. Thời gian chuẩn bị ngắn ngủi chỉ vài tháng trời không thể đủ nếu phải xây dựng một kinh đô mới. Vậy nền tảng vật chất cho kinh đô mới Thăng Long đã được chuẩn bị như thế nào? Bài viết sau đây của TS Nguyễn Việt sẽ đưa ra một cách lý giải về điều này.

* Chuẩn bị dời đô chỉ trong 5 tháng

Tháng 7 âm lịch năm 1010, thuyền rồng đưa triều đình nhà Lý từ Hoa Lư cập bến dưới chân thành Đại La. Theo biên niên sử, ý tưởng dời đô có thể hình thành thực sự từ mùa xuân năm đó. Vốn là, sau khi lên ngôi cuối năm 1009, Lý Công Uẩn thu xếp việc triều chính, làm lễ lên ngôi, ăn Tết ở Hoa Lư rồi tháng hai năm 1010 về thăm quê Cổ Pháp (Bắc Ninh). Đối với Lý Công Uẩn, ý tưởng tái lập nơi đặt bộ máy điều hành đất nước ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Hồng – là trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa của đất nước đương thời hẳn đã hình thành từ lâu, nhưng thời điểm mang tính quyết định rời đô từ Hoa Lư về Đại La hẳn đã xuất phát từ cuộc thăm quê mùa xuân năm 1010.

Chúng ta đều biết, Lý Công Uẩn người gốc Giao Châu, được giới thiệu xung cấm vệ quân từ hơn mười năm trước, dưới triều nhà Tiền Lê. Từ đó, cuộc sống của viên tướng cấm vệ, rồi lấy vợ, sinh con đã gắn liền ông với kinh đô Hoa Lư. Nhưng ngay sau khi lên ngôi, ông đã về thăm quê và hình thành rất nhanh quyết định dời đô. Chỉ ba tháng sau khi thăm quê, tức vào tháng năm năm ấy, ông đã hoàn chỉnh kế hoạch dời đô và chính thức tuyên bố trước triều đình bằng Chiếu Dời đô. Như vậy công cuộc thực sự chuẩn bị cho Dời đô chỉ diễn ra trong vòng năm tháng trời (từ tháng hai đến tháng bảy năm 1010).

Sử sách ghi nhận, ngay khi chuyển về kinh đô Thăng Long, triều đình đã ổn định được ngay. Các ghi chép sau đó về việc xây dựng thêm các cung điện chỉ là để mở rộng các hoạt động của triều đình. Điều đó chứng tỏ tòa thành Đại La khi trở thành kinh đô Thăng Long vào tháng 7 năm 1010 đã là một kinh đô Việt được chuẩn bị hoàn tất. Sự chuẩn bị này có thể được tăng cường từ tháng 5, tức sau Chiếu Dời đô. Nhưng rõ ràng thời gian ngắn ngủi chưa đày 2 tháng trời không thể đủ nếu phải xây dựng một kinh đô mới. Vậy nền tảng vật chất cho kinh đô mới Thăng Long đã được chuẩn bị như thế nào?.

* Thời Lý Bí đã từng lập thành bên sông Tô và lược sử thành Đại La

Lịch sử chọn mảnh đất Thăng Long làm trung tâm đất nước sớm nhất có thể bắt đầu với lũy thành Tô Lịch của Lý Bí trong cuộc chiến chống quân Lương thế kỷ 6. Đây là lũy thành quân sự được Lý Nam Đế xây dựng từ trước. Sau khi thất trận ở Chu Diên (vùng Hưng Yên, Hà Nam), quân đội nước Vạn Xuân đã rút về cố thủ tại đây.

Chúng ta chưa có nhiều bằng chứng để khẳng định lũy thành này là kinh đô của nước Vạn Xuân đương thời. Nhưng dường như do hoạt động của triều đình nước Vạn Xuân dày đặc ở vùng quanh Hà Nội ngày nay như Long Biên, Ô Diên, Dạ Trạch... nên sau khi bình định lại Giao Châu, xuất hiện tên một huyện mới là Tống Bình, tương truyền do nhà sơ Tống (một trong số Lục Triều – sáu triều đại thay nhau trị vì Trung Quốc sau thời Tam Quốc, thế kỷ 4-6) đặt ra, trong đó có một phần Hà Nội ngày nay. Đầu thế kỷ 7, thứ sử nhà Tùy là Khâu Hòa đã đặt thủ phủ Đô hộ Giao Châu ở Tống Bình và xây thành lũy đô hộ phủ đầu tiên ở kề sông Tô Lịch vào khoảng thời gian đó. Tòa thành của Khâu Hòa có tên là “Tử thành”. Tử thành (hay Tử Cấm thành) là cách gọi những vòng thành trung tâm trong cùng để bảo vệ vua và hoàng thất. Ở Giao Châu, đó là nơi che chở cho bộ máy đô hộ cao nhất, nơi ở và điều hành của Thứ sử. Chúng tôi cho rằng vị trí “Tử thành” hẳn đã được chọn tâm điểm ở ngay trên gò Nùng nay là vị trí điện Kính Thiên. Các đời về sau, đã đều duy trì điểm cao tâm linh đắc địa này. Dấu vết gạch ngói, giếng nước có niên đại Tùy Đường khai quật được ở khu vực Hoàng Thành gần đây đã xác nhận sự có mặt của kiến trúc Tùy Đường trong Hoàng Thành.

Thành La rồi Đại La sau này được nhiều đời thứ sử tu bổ, mở rộng, trong đó chủ yếu tập trung vào việc xây dựng vòng thành bao bên ngoài Tử thành, tức vòng thành hiện nay còn lại dấu vết, trên đó có những đoạn trùng với tòa thành vô băng xây dựng vào đời Nguyễn và vòng đê thành bao dọc theo sông Tô Lịch và sông Hồng mở rộng hơn về phía tây và phía nam Hoàng thành. Tiêu biểu nhất đối với thành Đại La là công cuộc hoàn thiện của Cao Biền cuối thế kỷ 8 đầu thế kỷ 9.

* Người sửa tòa thành hướng Bắc thành hướng Nam

Tuy nhiên, cần ghi nhớ rằng tòa thành Đại La bắt đầu từ Khâu Hòa đến Cao Biền đều xây dựng theo thể chế thành trì địa phương của đế chế Tùy, Đường. Có nghĩa rằng các mặt chính của tòa thành và dinh thự hành chính đều ngảnh về phía nơi Hoàng Đế nhà Tùy, Đường ngự trị.
Thành Đại La cũng như thành Luy Lâu do Sĩ Nhiếp đắp trước đó đều mang bản chất là thành hướng bắc. Dựa vào ghi chép trong An Nam chí lược Việt Sử lược (sách viết vào khoảng đời Trần) thì tòa thành Đại La do Trương Bá Nghi và Cao Biền đắp đều có bốn mặt hướng đông, tây, nam, bắc. Ghi chép của An Nam chí lược về tòa thành do Trương Bá Nghi đắp cho biết rõ mặt thành phía bắc là mặt chính, mở ba cửa và trên đó đều có lầu che. Hai mặt đông tây cũng có ba cửa không lầu che. Riêng mặt nam là mặt thông với khu dân cư mở tới 5 cửa trên đặt trống, loa. Như vậy, cũng giống như Luy Lâu, mặt nam thành tuy là mặt phụ nhưng lại dành cho các hoạt dộng dân cư, còn mặt chính mang tính nghi lễ ngảnh về phía bắc.

Vậy tòa thành vốn hướng bắc này trở thành tòa thành hướng nam từ bao giờ ?

Trong lịch sử Việt Nam, chắc chắn “sự hướng bắc” của thành Đại La gắn liền với bộ máy thần phục ở Giao Châu với nhà Đường. Đời Tiết độ sứ cuối cùng không phải người Giao Châu là Chu Toàn Dục (905), sau đó do Nhà Đường sụp đổ, Trung Quốc rơi vào tình trạng rối loạn, Nam Bắc triều, Ngũ Đại - Thập Quốc, các thế lực hào trưởng Giao Châu nổi lên chiếm quyền Tiết độ sứ ở, như cha con họ Khúc (Thừa Dụ, Thừa Mỹ), họ Kiều (Công Tiễn), họ Dương (Đình Nghệ). Các Tiết độ sứ này tuy là người Giao cát cứ nhưng trên danh nghĩa vẫn thụ phong và thần phục các triều đình Trung Hoa, vì vậy đến tận khi Ngô Quyền xưng vương (939) tòa thành Đại La vẫn là một tòa Đô hộ phủ hướng bắc. Có lẽ, đó là lý do Ngô Quyền không chọn Đại La làm kinh đô mà chọn Cổ Loa, một tòa thành bản chất hướng Nam.

Thành Đại La gần như bỏ hoang từ những năm 939 đến khi Đinh Tiên Hoàng thống lĩnh thiên hạ lập nước Đại Cồ Việt. Tuy nhiên, kinh đô Nhà Tiền Lê lại được chọn đặt ở nơi hiểm yếu Hoa Lư đất Trường Châu (Ninh Bình hiện nay). Thành Đại La với cương vị trung tâm quản lý, điều hành mọi sự ở Giao Châu được giao cho Đô hộ phủ Thái sư Lưu Cơ, người đồng hương và cũng là tên đứng đầu trong hàng quan được danh xưng trong buổi lễ lên ngôi Hoàng đế của Đinh Tiên Hoàng. Vai trò của Lưu Cơ vì thế có thể sánh ngang hàng Phó Vương giúp Đinh Tiên Hoàng cai quản phần đất trọng yếu và nhiều tiềm năng kinh tế nhất của đất nước đương thời, đó là toàn bộ miền Bắc nước ta từ Ninh Bình hất trở lên.

Lưu Cơ là ai ? Chúng tôi sẽ dành một bài dành riêng viết về nhân vật lịch sử kín đáo này. Ở đây chỉ giới thiệu tóm tắt. Theo thần tích và ghi chép trong sử sách thì Lưu Cơ người Ái Châu (vùng đất có lúc bao gồm cả khu vực Thanh Hóa và Ninh Bình hiện nay), quê ở Bồ Bát, Bạch Liên, Yên Mô tức thuộc đất Ninh Bình, là đồng hương gần với Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Bặc, Lê Hoàn. Lớn lên theo học Tri Hối tiên sinh ở Gia Viễn. Sau khi cha mẹ mất, ngoài 20 tuổi ông theo Đinh Bộ Lĩnh đánh giặc, trực tiếp dẹp sứ quân Lý Khuê ở Siêu Loại. Trong buổi thiết triều xưng danh quan tước đầu tiên của triều đình nhà Đinh, theo Việt sử lược, ông đứng tên đầu và được trao chức Thái sư Đô hộ phủ, cai quản toàn bộ Giao Châu, đóng đại bản doanh ở Phủ Đô hộ cũ, tức thành Đại La. Khi đó ông chừng 30 tuổi. Ông làm quan đến gần 70 tuổi thì cáo lão về hưu trí ở quê nhà, ba năm sau thì mất, thọ 73 tuổi. Hiện đền thờ ông còn ở làng Đại Từ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên (đất Siêu Loại cũ). Tương truyền là nơi ông đóng quân dẹp loạn sứ quân Lý Khuê năm xưa.

Như vậy có lẽ chính Lưu Cơ là người đầu tiên biến tòa thành Đại La thuộc địa hướng bắc trở thành một tòa thành hướng nam độc lập tự chủ. Vì khi đó, Hoàng Đế Đại Việt ở Hoa Lư, tức ở về phía nam tòa thành Đại La. Vì vậy, chắc chắn mọi hướng nhìn của cổng thành và dinh thự đời các Tiết độ sứ cũ phải được sửa đổi. Ðó chính là điều lý giải hợp lý nhất cho sự có mặt phong phú di tích kiến trúc Hoa Lư tại các cuộc khai quật Hoàng Thành Thăng Long gần đây.

*Không thể quên vai trò của Lưu Cơ dịp 1000 năm Thăng Long

Theo ghi chép của thần phả, thần tích thì có lẽ Lưu Cơ trông coi tòa thành này cho đến khi cáo quan về hưu năm gần 70 tuổi.

Như vậy, chẳng những Lưu Cơ là người đã cai quản và tu sửa thành Đại La của An Nam Đô hộ Phủ nhà Đường trở nên một tòa thành Đại Việt, mà ông còn là người chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở hạ tầng cho cuộc rời đô của Lý Công Uẩn. Chính điều này giải thích tại sao chỉ trong một thời gian rất ngắn, triều đình nhà Lý đã có thể di chuyển từ Hoa Lư ra Thăng Long.

Vậy là chúng ta đã tìm ra chính Lưu Cơ là người đã trao chìa khóa và “sổ đỏ” tòa La thành Đại Việt cho Lý Công Uẩn sau hơn 40 năm trông coi tu tạo tòa thành này. Với ý nghĩa đó, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long không thể quên vai trò của vị Thái sư người Ái châu đáng kính này./.

 

 

OTHERS NEWS



[7/8/2014] Những con tàu đắm và vấn đề chủ quyền biển Đông

[7/8/2014] Điều tra khảo sát di sản biển Quảng Ninh bước 1 - Báo cáo sơ bộ (1-10/6/2014)

[7/8/2014] Họ Lý trong mộ gạch đầu công nguyên ở Yên Hưng (Quảng Ninh)

[5/13/2014] Khảo cổ học tàu đắm cổ ở Bình Châu (Quảng Ngãi)

[6/10/2013] Tau dam

[2/13/2013] Viet cho Xuan Quy Ty

[2/12/2013] Chung cu Khao co hoc ve Banh chung Lang Lieu

[7/2/2012] Tiếp tục phát hiện dấu mòn lối đi cổ 21 ngàn năm tại hang Xóm Trại (xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình)

[6/18/2012] Die Bronzefiguren von Negritos in archäologischer Funstelle von Dong-Son (Thanh Hoa, Vietnam) und in Sa Thay (Kon Tum, Vietnam) gefunden

[6/17/2012] Phát hiện thêm trống Đông Sơn có minh văn "Cửu Chân", mang tên "Phú"

[6/17/2012] Tượng những người da đen lạ phát hiện ở Đông Sơn (Thanh Hóa)

[6/17/2012] The Bronze Figures of Negritos found in archaeological site of Dong Son (Thanh Hoa, Vietnam) and in Sa Thay (Kon Tum, Vietnam)

[6/17/2012] Mai An Tiem

[5/30/2012] Thap đồng Đông Sơn liên quan đến Triệu Đà

[4/17/2012] Bình đồng có minh văn trong mộ gạch thời Hán ở Nghi Vệ (Bắc Ninh)

[8/23/2011] Minh văn trên trống đồng Đông Sơn khai quật được ở Cổ Loa

[8/18/2011] Phát hiện dấu in lúa nếp nương râu dài trong lòng trống Đông Sơn

[5/26/2010] Khảo cổ Hoàng Thành đường Văn Cao

[5/26/2010] Về lúa cổ Thành Dền nảy mầm

[1/11/2010] Tượng đồng Trần Hưng Đạo

[1/11/2010] Đền Chèm và tục thờ thần khổng lồ

[3/15/2009] Người văn hoá Hoà Bình ở Xóm Trại đeo trang sức vòng cổ. Hoabinhian necklace

[1/20/2009] Lại phát hiện thêm một viên đá có hình khắc ở Xóm Trại (Tân Lập, Lạc Sơn, Hoà Bình)

[1/7/2009] Một số tác phẩm mỹ thuật thời đại đá cũ mới phát hiện ở hang Xóm Trại (xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình)

[10/27/2008] Phát hiện đường đi và mộ táng văn hoá Hoà Bình tại hang Xóm Trại (Lạc Sơn, Hoà Bình)

[10/1/2008] Những phát hiện mới trong phạm vi bãi cọc Bạch Đằng thuộc xã Yên Giang, huyện Yên Hưng (Quảng Ninh)

Top  |   Print |   Email


 

Web Design by thietkeviet.com - © Copyright 2008 - 2024 by Dr. Nguyen Viet. All rights reserved.