Thursday, April 25, 2024

The earliest amulet in fish form made from a big bird nail, which excavated in Du Sang rock-shelter (Kim Boi, Hoa Binh, Vietnam) in ca. 18.000 years ago

 

A complet 10.000 years old hoabinhian human skeleton excavated 2004 in Rock-shelter of Du Sang (Hoa Binh, Vietnam)

 

Ethnobotanic Study 2005 in a Muong hamlet (Kim Boi, Hoa Binh)

 

A ramie cloth fragment excavated from a Dongsonian dugout log coffin in Chau Can burial field (Ha Tay, Vietnam)

 

The completing facial reconstructions of the 2100 years old skulls excavated in the Dong Xa dongsonian burial field (Project : Facial Reconstruction for Prehistorical Human Skulls)

 

DrNguyenViet.com > News > Discoveries



Khảo cổ Hoàng Thành đường Văn Cao [5/26/2010]

 

Một số vấn đề luật Di sản nhân phát hiện khảo cổ học Hoàng thành ở công trình thông đường Văn Cao

Nguyễn Việt

Sự việc có vẻ như đã và sẽ kết thúc êm đẹp với quyết định của lãnh đạo thành phố Hà Nội tiếp tục cho thi công đoạn đường Văn Cao cắt xuyên Hoàng Thành ra đường Thụy Khuê… Tuy nhiên, liệu các nhà khảo cổ sẽ phát hiện được những gì ở đoạn dưới bức thành đất và nền đất nơi nó được dựng lên thì còn phải chờ thêm ít ngày nữa. Từ ngày có luật Di Sản, Hà Nội đã trải qua nhiều vấn đề nổi cộm giữa xây dựng và bảo tồn : Việc xây Nhà Bách hóa Tổng Hợp góc đường Tràng Tiền/Hàng Bài, xây dựng trên khu đất cuối đường Trần Phú, nạo vét kè sông Kim Ngưu, làm đường qua Xã Đàn và lớn nhất là khu vực mở rộng xây dựng Nhà Quốc Hội trên đường Hoàng Diệu/Bắc Sơn/Lê Hồng Phong… Nhân sự việc xảy ra ầm ĩ ở công trường “phá hoàng thành thông đường Văn Cao” và quyết định mới nhất của lãnh đạo Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ngày 14-5-2010, tôi có một số suy nghĩ như sau :

1- Làm theo Lý mà không theo Luật. Trách nhiệm thuộc về ai ?

Có thể nói, ở vùng đất nội thành Hà Nội, đụng đâu cũng là di tích. Không thể nói việc tổ chức, cấp phép thi công đoạn đường Văn Cao cắt xuyên đường Hoàng Hoa Thám, cũng như tới đây việc khai thông đường Đào Tấn cắt tường thành Bưởi nối đường Nguyễn Khánh Toàn là không có nguy cơ phạm phải di tích. Thế nhưng tại sao chúng ta vẫn để xảy ra những chuyện bên đơn vị xây dựng “vô tư” phá di tích, chỉ cốt sao được việc của xây dựng, và khi sự việc vùng phát, ngành văn hóa cũng “vô tư” tìm cách ngăn cản xây dựng bất chấp tiến độ của bên xây dựng. Nên nhớ rằng cả hai “Sở” chủ quản xây dựng và bảo tồn đoạn đang thi công trên đường Văn Cao đều cùng nằm chung dưới sự chỉ đạo của Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Được biết lý do : Bên làm đường tự cho phép phá thành vì không thấy “biển cấm vi phạm di tích” của ngành Văn hóa, vì vậy không biết đó là đoạn Hoàng Thành. Nghe cũng có lý, vì như luật Giao Thông, không có biển cấm thì tôi cứ đi. Nhưng nghe có lý mà lại không đúng luật. Luật Di sản ghi rõ : Mọi hoạt động xây dựng đều phải xin ý kiến của ngành văn hóa về khả năng có hay không có di tích cần được bảo tồn hay điều tra thám sát khảo cổ trước khi thi công. Hình như công trình thi công này đã không trình ra được giấy phép đồng ý đó của Sở Văn hóa Hà Nội. Câu hỏi đặt ra là các nhà thầu xây dựng có quan tâm đến luật Di sản hay không ? Câu trả lời dễ thấy là hầu hết các nhà thầu xây dựng cũng như nhiều cấp chính quyền đã và đang tìm cách lờ đi làm như không biết để bỏ qua khâu kiểm tra cấp phép của ngành văn hóa trước khi xây dựng. Đây là hiện trạng có quy mô toàn quốc, ví như hàng triệu mét khối đất đá của các công trình cầu đường Việt Nam đều không bao giờ có mặt chứng kiến của các nhà khảo cổ, địa chất.

2- Luật Di Sản và những bài giải giữa Bảo tồn và Phát triển

Tôi nhớ câu chuyện vào năm 2000, khi tham gia dự thầu sửa sang quốc lộ 1A, theo quy định của bên cấp vốn là World Bank, một nhà thấu lớn của Pháp đã nhờ giáo sư Lê Thị Nhâm Tuyết tìm cho một nhà khảo cổ học có bằng cấp và ngoại ngữ đứng tên giám sát khảo cổ trong toàn bộ quá trình thi công. Chị Tuyết đã giới thiệu tôi, và Hồ sơ khoa học của tôi trở thành một tiêu chuẩn trong hồ sơ dự thầu.

Điều này không lạ, vì đó là luật di sản chung mang tính toàn cầu. Luật Di sản Việt Nam cũng đã bao quát cả tinh thần vấn đề như vậy. Trong thời gian làm việc ở CHLB Đức, tôi đã từng thăm và làm việc với một công ty Khảo cổ học do một người bạn là Tiến sĩ Walke làm giám đốc. Công ty của ông đã nhận được hợp đồng làm giám sát khảo cổ cho 400 km đào đường ống dẫn khí Gas từ Nga sang châu Âu, đoạn đi qua địa phận nước Đức. Tiến sĩ khảo cổ học Ingo Heindel là người thuộc “biên chế” của đơn vị thi công trong suốt hai năm trời liên tục. Không một nhát gầu ủi nào thiếu sự chứng kiến của ông. Và hàng ngàn di vật, di tích đã được phát hiện, khai quật mà không hề làm chậm tiến độ của bên xây dựng. Bởi vì nhà khảo cổ trong trường hợp đó thuộc biên chế đơn vị thi công và chính là người có trách nhiệm khẩn trương giải phóng mặt bằng cho bộ phận xây dựng, như công việc của công binh rỡ mìn trong chiến tranh vậy.

Đỉnh cao của sự kết hợp giữa xây dựng và bảo tồn di sản phải kể đến sự ra đời và tồn tại từ nhiều chục năm nay của Viện Khảo cổ học trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải nước Cộng Hòa Ireland. Đây là điều tôi ấn tượng nhất khi tham dự Đại Hội Khảo cổ học thế giới lần thứ 6 (WAC 6) năm 2008 tại Dublin thủ đô Ireland. Để đảm bảo luật Di Sản và không ảnh hưởng đến kế hoạch và tiến độ công trình, Bộ Giao thông Vận tải Ireland đã có sáng kiến thay vì phải bị động ký hợp đồng giám sát, phát hiện, đánh giá di sản, khai quật giải phóng mặt bằng, đã chủ động xây dựng một Viện Khảo cổ học với nhiều giáo sư nổi tiếng chuyên trách và trở thành một bộ phận của ngành mình. Họ còn biết kết hợp giữa làm đường với di sản nhằm biến những di tích đó trở thành một bộ phận làm tăng giá trị của các tuyến đường, nhờ ý tưởng biết kết hợp xây dựng với tư duy kinh tế, du lịch.

Việc tôn trọng luật Di Sản của các nhà thầu xây dựng phản ánh tình trạng dân trí cao của một đất nước, từ đó làm nảy sinh những cách giải hay cho bài toán mà nếu nhìn nông cạn có vẻ như là mâu thuẫn, giữa bảo tồn và phát triển. Điều này lý giải tại sao ở Nhật Bản có tới 3000 nhà khảo cổ học thực hiện hàng năm trung bình 2000 cuộc khai quật. Hầu như mỗi một quận huyện (Profecture) của Nhật đều có một đơn vị như một Viện Khảo cổ để giải quyết mọi vấn đề văn hóa, di sản và giải phóng mặt bằng theo luật Di Sản. Tại đây, vừa là ý thức văn hóa cao của các nhà thầu, vừa là sự nghiêm minh của pháp luật và cả những cách giải hợp lý đã khiến sự nghiệp bảo tồn di sản của đất nước này không trở thành một trở ngại đối với công cuộc phát triển với tốc độ chóng mặt. Điều này cũng chỉ làm được với tính kế hoạch hóa cao, ổn định, đủ để công cuộc điều tra thám sát khảo cổ diễn ra hàng năm trời trước khi công trình đi vào hoạt động. Nhà thầu phải chịu một khoản kinh phí chung (theo diện tích) và nhà nước có nguồn kinh phí nghiên cứu bảo tồn hỗ trợ (theo nội dung di sản).

3- Ngành Văn hóa Việt Nam thực thi luật Di Sản trong điều kiện phát triển đất nước

Theo luật Di Sản của chúng ta hiện nay thì trên toàn quốc có khoảng 200 người có đủ điều kiện chuyên môn khai quật khảo cổ học. Có nghĩa rằng những người đó đã được tốt nghiệp chuyên ngành khảo cổ học ở bậc Đại học. Tuy nhiên trên thực tế, số người có thể được Bộ Văn Hóa cấp phép chỉ vỏn vẹn chừng 50 người (25 ở Viện Khảo cổ học, 10 ở các trường Đại học có chuyên ngành khảo cổ và 15 ở các bảo tàng ). Một cuộc điều tra, thám sát khảo cổ được triển khai nhanh nhất cũng mất một tuần, còn nếu như khai quật vài trăm mét vuông cũng mất hàng tháng, thậm chí hàng năm trời. Trong khi đó, số lượng đất đai cấp phép xây dựng hàng năm lên đến con số hàng chục triệu mét vuông.

Việc cấp phép khai quật của Bộ Văn Hóa nhiều khi còn rất chậm trễ và khó khăn phức tạp, không theo luật. Xin đơn cử trường hợp của Sở Văn Hóa Thông tin tỉnh Hưng Yên. Năm 2002, khi phát hiện một mộ thân cây khoét rỗng xuất lộ do đào mương ở làng Động Xá huyện Kim Động, Sở Văn hóa tỉnh Hưng Yên đã làm công văn xin phép Cục Di sản cho phép các nhà khảo cổ học kiêm nhiệm và chính nhiệm của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á là giáo sư Cao Xuân Phổ, tiến sĩ Ngô Thế Phong và tiến sĩ Nguyễn Việt phối hợp với Bảo tàng Tỉnh khai quật chữa cháy, kết quả là cho đến tận hôm nay, sau 9 năm, vẫn chưa bao giờ Cục Di sản trả lời công văn đó của Sở. Trong thực tế Sở phải phá luật, tự tổ chức khai quật chữa cháy không giấy phép. Sau này, tôi được một đồng chí Cục phó giải thích : Bộ không cho vì các anh không “có tóc” để nắm. Luật Di Sản có quy định “tóc tai” gì đâu. Nhưng khi thực hiện, những người thực thi Luật ở cấp cao lại làm như vậy.

Điều trên phản ánh cơ sở thiếu khả thi đầu tiên của luật Di Sản, đó là không đủ lực lượng chuyên môn để đồng nhịp với tốc độ xây dựng nhanh của đất nước trong thời kỳ phát triển. Những người xây dựng luật đã không giúp nhà nước chuẩn bị lực lượng, đội ngũ thực thi pháp luật. Di sản và công tác của các nhà khảo cổ trở nên mối đe dọa với mọi công trình xây dựng. Thêm vào đó, khi phát hiện vụ việc, những người làm công tác khảo cổ, văn hóa lại rồ lên như muốn ra oai trừng phạt, gây khó cho kẻ vi phạm, chứ không mang ý thức xây dựng, cùng nhau gỡ mối. Vụ việc khai quật khảo cổ ở Xã Đàn (Đông Đa, Hà Nội) đã gây ách tắc giao thông, nhức nhối hàng năm trời với người dân cũng như chính quyền các cấp thành phố, đến nỗi Thủ tướng phải có ý kiến chỉ đạo. Đó là nguyên nhân chính khiến mọi nhà thầu xây dựng đều tìm cách lẩn tránh thực thi luật Di Sản. Hầu như rất hiếm công trình xây dựng được tiến hành theo đúng luật Di Sản, đó là được điều tra thăm dò khảo cổ học trước khi thi công. Giấy phép đủ lệ của ngành Văn Hóa, nếu có, chỉ dựa trên Bản đồ Di tích Văn hóa đã xếp hạng, vì thế nếu ngoài phạm vi những di tích đã xếp hạng đó thì ngành văn hóa có quyền cho phép, hoặc có quyền lờ đi. Đó cũng là nguyên do của vụ việc “phá Hoàng Thành” làm đường Văn Cao kể trên. Theo thông tin báo chí thì khi lập dự án, Sở Giao thông Vận tải đã so sánh đối chiếu với Bản đồ Di tích được xếp hạng và tự thấy đoạn đường này không có tên trong đó. Khi hỏi đến Sở Văn hóa thì Sở cho hay : Bên đó các anh ấy không có công văn hỏi ý kiến chúng tôi, mà không hỏi thì sao chúng tôi có ý kiến được. Nghe có vẻ có lý, nhưng lại không đúng luật. Bởi vì bất kể nhà thầu xây dựng nào, theo luật, đều phải có sự đồng ý văn bản của ngành Văn hóa. Sở Giao thông Vận tải tự cho rằng mình “làm đường trong nhà mình” thì không cần theo đúng luật. Trong khi đó Sở Văn hóa tự cho quyền mình không cần biết đến nếu anh không hỏi tôi.

Đại lễ 1000 năm Thăng Long, nước đã đến chân, những bước nhảy vội cuối cùng đua gấp bù với thời gian thong dong trước đó. Nếu biết làm kế hoạch tốt và có ý thức đày đủ với Đại Lễ và với Di Sản thì đâu có vụ “phá Hoàng Thành” làm đường Văn Cao nói trên. Đến tình trạng như thế này thì quyết định của Thành phố ngày 14-5 vừa duy trì tiến độ thi công, vừa dành diện tích khảo cổ, là lối thoát duy nhất đúng đắn. Nhưng cần ghi nhớ rằng, đó là một sử lý đúng đắn trong tình huống đã làm sai, để tìm bài giải tốt nhất cho hoàn cảnh hiện tại. Âu cũng là một bài học tốt để chúng ta thêm một lần nữa tập dượt thành thục thực thi luật Di Sản cho ngày mai.




 

 

 

OTHERS NEWS



[7/8/2014] Những con tàu đắm và vấn đề chủ quyền biển Đông

[7/8/2014] Điều tra khảo sát di sản biển Quảng Ninh bước 1 - Báo cáo sơ bộ (1-10/6/2014)

[7/8/2014] Họ Lý trong mộ gạch đầu công nguyên ở Yên Hưng (Quảng Ninh)

[5/13/2014] Khảo cổ học tàu đắm cổ ở Bình Châu (Quảng Ngãi)

[6/10/2013] Tau dam

[2/13/2013] Viet cho Xuan Quy Ty

[2/12/2013] Chung cu Khao co hoc ve Banh chung Lang Lieu

[7/2/2012] Tiếp tục phát hiện dấu mòn lối đi cổ 21 ngàn năm tại hang Xóm Trại (xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình)

[6/18/2012] Die Bronzefiguren von Negritos in archäologischer Funstelle von Dong-Son (Thanh Hoa, Vietnam) und in Sa Thay (Kon Tum, Vietnam) gefunden

[6/17/2012] Phát hiện thêm trống Đông Sơn có minh văn "Cửu Chân", mang tên "Phú"

[6/17/2012] Tượng những người da đen lạ phát hiện ở Đông Sơn (Thanh Hóa)

[6/17/2012] The Bronze Figures of Negritos found in archaeological site of Dong Son (Thanh Hoa, Vietnam) and in Sa Thay (Kon Tum, Vietnam)

[6/17/2012] Mai An Tiem

[5/30/2012] Thap đồng Đông Sơn liên quan đến Triệu Đà

[4/17/2012] Bình đồng có minh văn trong mộ gạch thời Hán ở Nghi Vệ (Bắc Ninh)

[8/23/2011] Minh văn trên trống đồng Đông Sơn khai quật được ở Cổ Loa

[8/18/2011] Phát hiện dấu in lúa nếp nương râu dài trong lòng trống Đông Sơn

[5/26/2010] Về lúa cổ Thành Dền nảy mầm

[1/11/2010] Tượng đồng Trần Hưng Đạo

[1/11/2010] Người trao chìa khóa thành Đại La cho Lý Công Uẩn

[1/11/2010] Đền Chèm và tục thờ thần khổng lồ

[3/15/2009] Người văn hoá Hoà Bình ở Xóm Trại đeo trang sức vòng cổ. Hoabinhian necklace

[1/20/2009] Lại phát hiện thêm một viên đá có hình khắc ở Xóm Trại (Tân Lập, Lạc Sơn, Hoà Bình)

[1/7/2009] Một số tác phẩm mỹ thuật thời đại đá cũ mới phát hiện ở hang Xóm Trại (xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình)

[10/27/2008] Phát hiện đường đi và mộ táng văn hoá Hoà Bình tại hang Xóm Trại (Lạc Sơn, Hoà Bình)

[10/1/2008] Những phát hiện mới trong phạm vi bãi cọc Bạch Đằng thuộc xã Yên Giang, huyện Yên Hưng (Quảng Ninh)

Top  |   Print |   Email


 

Web Design by thietkeviet.com - © Copyright 2008 - 2024 by Dr. Nguyen Viet. All rights reserved.