Sunday, September 15, 2024

Rock mountain snail Cyclophorus, which is main food of the Hoabinhian cave dweller (Project : Zooarchaeology)

 

A Muong woman in weaving (Lac Son, Hoa Binh) (Muong Textile Study)

 

Studing in a bronze casting workshop in Lang Rong (Van Lam, Hung Yen)

 

Studing on the dongsonian bronze drum excavated in burial field Dong Xa (Kim Dong, Hung Yen, Vietnam)

 

The most famous hoabinhian cave of Xom Trai (Lac Son, Hoa Binh, Vietnam)

 

DrNguyenViet.com > News > Discoveries



Mai An Tiem [6/17/2012]

 

MAI AN TIÊM - "DOANH NHÂN" THỜI MỞ NƯỚC
 

(Tamnhin.net) - MAI AN TIÊM là cái tên quen thuộc gắn với chuỗi nhân vật liên quan đến thời các vua Hùng dựng nước. Đó là thời kỳ xuất hiện những huyền thoại đầu tiên mà mỗi nhân vật đều gắn với một tài năng bẩm sinh hay một khiếu nghề nào đó.


Toàn cảnh Đền thờ Mai An Tiêm ở chân núi xã Nga Phú, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa).

Nước Việt Nam ta thuở còn là Văn Lang với các vua Hùng đã từng có Sơn, Thủy tinh những vị thần điều khiển được đất đá – sông nước, muông thú - thủy tộc, cũng có Lang Liêu làm bánh Chưng vuông – Dày tròn, có chàng Cau – nàng Trầu, có cha con người đánh bắt cá tôm họ Chử và có người đàn ông họ Mai biết trồng Dưa ở biển đảo.

Thời Hùng Vương giờ đây nhờ thành tựu nghiên cứu của khoa học khảo cổ đã không còn thuần túy lung mung và mờ ảo như huyền thoại nữa. Phần huyền thoại hiện chỉ còn phảng phất trong các tích truyện mà thôi, còn sự thực hiện tồn một xã hội với những làng trồng lúa, làm đá, chế gốm, đúc đồng, làm mộc… Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn của các thế hệ dân cư Hùng Vương Văn Lang là điều mà các nhà khảo cổ học đã có thể chứng thực.

Hiện tượng trồng Dưa của Mai An Tiêm cũng bắt đầu được các nhà Khảo cổ học vi tư liệu của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á chứng minh là một thực tế có cơ sở khoa học. Ngoài việc phát hiện một hệ thống gồm hai loại hạt dưa bở và dưa thơm có niên đại từ thế kỷ 4-3 trước Công nguyên đến những thế kỷ đầu Công nguyên, phân bố rộng và khá đồng nhất ở lưu vực sông Hồng và vùng Lĩnh Nam (Trung Quốc) – tương ứng với địa bàn phân bố của các nhóm tộc Bách Việt , các nhà nghiên cứu còn nhận ra sự trùng hợp với xu hướng chuyên ngành trong nông nghiệp và thủ công nghiệp dẫn đến sự xuất hiện sự chuyên ngành của cả một tầng lớp thương nhân trong thời kỳ này. Hiện tượng Mai An Tiêm như sẽ được phân tích dưới đây đã hội đủ các yếu tố của một Doanh Nhân thời đại vua Hùng mà không cần phải gượng ép, vay mượn.

Chuyện Mai An Tiêm hiện biết là được chép ít ra là từ đời Trần, trong sách "Lĩnh Nam Trích Quái". Trong đó, hiện tượng nổi bật gắn liền với ông là việc ông đã theo lệnh Vua Hùng bị đày ra đảo, nhờ chim thần cho hạt mà trở thành thủy tổ của nghề trồng dưa ở Việt Nam. Đền thờ Mai An Tiêm phân bố nhiều nhất hiện nay là ở quanh hai rìa chỏm núi nhô ra biển của dãy Tam Điệp – nơi có lạch nước xuyên biển mang tên cửa Thần Phù. Đây cũng là nơi Tô Thức gặp tiên, Nguyễn Công Trứ đào kênh lấn biển và có nhà thờ đá Phát Diệm nổi tiếng. Đền thờ chính Mai An Tiêm, nơi hàng năm diễn ra lễ hội vào ngày 13-14 tháng Ba âm lịch hiện ở chân núi Mai An Tiêm thuộc xã Nga Phú, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa).
 


Lễ rước bài vị Mai An Tiêm trong Lễ hội ngày 13-3 âm lich hàng năm tại Đền thờ Mai An Tiêm ở xã Nga Phú, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa)
 


Hiện tượng Dưa bở và Dưa thơm trong khảo cổ học nửa sau thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên ở Việt Nam và Nam Trung HoaTrong thực tế khảo cổ học, con người đã khai thác, thậm chí trồng một số loài dưa, bầu từ rất sớm. Phấn hoa và thậm chí cả những hạt dưa khô héo đã khai quật được trong các hang động văn hóa Hòa Bình ở cả Việt Nam lẫn Thái Lan với niên đại hàng chục ngàn năm trước. Vậy, hiện tượng Mai An Tiêm trồng dưa không gắn với một phát minh trồng trọt về dưa. Hiện tượng nở rộ hai loại dưa bở và dưa thơm hạt nhỏ màu trắng, kích thước rất đều và giống nhau phân bố từ lưu vực sông Hồng đến tận hữu ngạn sông Trường Giang (Trung Quốc) ở nửa sau thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên rõ ràng gắn bó khăng khít cả về thời gian lẫn không gian với truyền thuyết về Mai An Tiêm. Đây là một loại dưa thuộc loại quý hiếm. Bằng chứng là hạt của chúng đều thấy trong mộ của những gia đình quý tộc.


 

Hai loại dưa phổ biến dưới thời Mai An Tiêm đã khai quật được hạt trong các mộ táng đương thời có tên khoa học là CucumisMelon và CucumisMuskmelon
 
Ở Việt Nam, những hạt dưa như vậy đã thấy rất nhiều trong ngôi mộ một em bé chưa đày năm tuổi thuộc một gia đình quý tộc Đông Sơn khá lớn ở vùng sông Châu (Hà Nam ngày nay). Các nhà nhân học đã xác nhận bộ xương của em bé này chỉ chừng 8 tháng tuổi, nhưng em được chôn trong một nhà mồ lát bằng các tấm gỗ ván thuyền lớn và nằm trong một quan tài thân cây khoét rỗng mới làm, kích thước lớn và đẽo gọt đẹp. Nhiều đồ đồng lễ nghi, như thạp, thố, bình đồng, khay, mâm, nhĩ bôi gỗ và các hạt chuỗi, khuyên tai bằng thủy tinh, mã não, đá quý nephrite được chôn theo. Chúng tôi đã tìm thấy hàng trăm hạt dưa như vậy trong quan tài em bé này. Những hạt dưa tương tự cũng đã thấy trong tầng cư trú của làng Đông Sơn ở Động Xá (Hưng Yên) với niên đại thuộc thế kỷ 2 trước Công nguyên. Trong vùng phân bố của cư dân Dương Việt, Tây Âu, Lạc Việt dưới thời Tây Hán, có hai mộ quý tộc thuộc gia đình vương hầu ở Trường Sa (Hồ Nam, Trung Quốc) và Quý Huyện (Quảng Tây) cũng như mộ của Hoàng đế Nam Việt Triệu Mạt chôn theo các phu nhân và người hầu ở Quảng Châu (Trung Quốc) đều phát hiện nhiều hạt của loại dưa này. Đáng chú ý là khi mổ tử thi xác Phu nhân đời Tây Hán ở Trường Sa, các nhà giải phẫu học đã phát hiện 18 hạt dưa như vậy trong trạng thái còn tươi căng, đến nỗi một dự án nhằm thử ươm trồng làm nảy mầm lại các hạt dưa đó đã được các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện. Dựa vào dấu hiệu bệnh lý ở tạng mật và ghi chép trong sách bản thảo nói rằng dưa đó có tác dụng chữa trị căn bệnh về thận, mật, các bác sĩ Trung Quốc đã gợi ý vị Phu nhân 55 tuổi đời Tây Hán có lẽ đã chết do sỏi mật.


Trong thực tế, hạt những loại dưa này không giống hạt dưa hấu. Vỏ của chúng mỏng và mềm, có màu sáng, một loại đầu nhọn hình giọt lệ, loại kia hình bầu dục. Công trình điều tra thực vật học xứ Đàng Trong (Cochinchine) của một học giả Tây Ban Nha tên là João de Loureiro xuất bản năm 1790 đã ghi nhận loài dưa đặc chủng có hạt hình giọt lệ dưới tên khoa học là Melothria indica, tên địa phương là dưa “Cung Kảng” (?) chỉ xuất hiện chủ yếu ở ven biển miền Trung Việt Nam. Loại hạt dưa hình bầu dục, kích thước xấp sỉ khác tương tự được các nhà khoa học xác định là Cucumis melo - dưa có múi, vị ngọt.

 
“Doanh nhân” ở nửa sau thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên

Trong thời kỳ tiền – sơ sử, sản xuất mang tính kinh tế thị trường gần như không phát triển trong những xã hội sản xuất lương thực thuần túy. Chỉ khi xuất hiện những làng thủ công chuyên nghiệp sản xuất ra những sản phẩm phi lương thực, như gốm, đồ đá, khai quặng, khai thác hoặc lam ra muối ăn, đúc chế đồ đồng, đồ gỗ, trang sức thủy tinh…thì một xã hội gồm chứa “doanh nhân” mới thực sự ra đời. Bởi vì, nói đến doanh nhân là phải hàm chứa những hoạt động sản xuất, tổ chức sản xuất nhằm mục tiêu buôn bán, trao đổi và tạo khả năng thặng dư giá trị sản phẩm lao động của mình thông qua hoạt động buôn bán, trao đổi đó.

Hiện tượng xuất hiện những làng chế gốm lễ nghi và chế đá công cụ, trang sức từ bình tuyến xã hội trồng lúa Phùng Nguyên (4000 năm trước) cho thấy mầm mống kinh tế “doanh nghiệp” đã có thể ra đời từ khi đó. Và đương nhiên, đi cùng với những hoạt động sản xuất của các xưởng đó sẽ tồn tại những “doanh nhân”, cho dù vào thời đó có thể họ chỉ đại diện cho thị tộc, bộ lạc của họ mà thôi. Mầm mống này ngày cành phát triển cùng với sự xuất hiện những ngành nghề thủ công mang ý nghĩa xã hội lớn lao hơn, như nghề khai quặng đúc đồng dưới thời văn hóa Đông Sơn. Thời đại đồ đồng với sản phẩm đa dạng có gia trị cao của nó đã thực sự là một cuộc cách mạng trong lịch sử doanh nghiệp và doanh nhân. Cuộc cách mạng trong phạm vi các hoạt động kinh doanh, sản xuất đồ đồng đã lôi cuốn mọi lĩnh vực kinh tế xã hội khác vào một mạng xã hội doanh nghiệp sôi động. Trong đó, doanh nghiệp, doanh nhân thủ công nghiệp là khu vực nhạy bén và dễ lan rộng nhất. Với sự lan rộng của một loại dưa bở giống nhau vào nửa sau thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên thì rõ ràng cuộc cách mạng doanh nghiệp, doanh nhân đã không chỉ dừng ở phạm vi thủ công nghiệp mà đã lan tới lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chuyên biệt – một lĩnh vực sản xuất tuy ra đời sớm nhất nhưng lại tham gia khó khăn nhất, chậm chạp nhất vào thế giới doanh nghiệp, doanh nhân.

 
“Doanh nhân” Mai An Tiêm và "sự nghiệp kinh doanh dưa"

Với ý nghĩa đó, chúng tôi đặc biệt chú ý đến hiện tượng Mai An Tiêm và hoạt động đưa việc trồng dưa bở thành một hiện tượng lịch sử. Như đã nói ở trên, lịch sử ở nửa sau thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên rõ ràng đã ghi nhận vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân trong các quốc gia cổ đại phương Đông. Vào đời Chiến Quốc, một số thợ đúc đồng ở nước Sở đã được vua tôn vinh ngang hàng tể tướng. Tên của họ được phép đúc khắc trên sản phẩm, điều mà theo quy định đương thời chỉ có vua mới được phép. Cũng vào khoảng cuối thời gian này, tại nước Triệu nổi lên vai trò của thương nhân họ Lã, tên Bất Vi. Tiền của và kỹ năng tính toán đã đưa Lã Bất Vi từ một thương nhân có thân phận dưới hàng quý tộc trở thành người chỉ đứng sau Hoàng đế nhà Tần. Sử Việt Nam đương thời cũng truyền tụng “một người ở bộ Gia Ninh có pháp thuật đã thống lĩnh được các bộ lạc khác, tự xưng làm Hùng Vương lấy tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu”. Nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng “pháp thuật” đã đưa người đó trở thành Hùng Vương chính là một bí truyền trong nghề thủ công nào đó (chế tác gốm lễ nghi hay đúc đồng thau pha chì, thiếc…). Khi đó, những người thành đạt trong nghề bắt đầu đươc tôn vinh : Lang Liêu làm vua nhờ giỏi chế bánh Chưng, bánh Dày; Cao Lỗ sánh ngang tể tướng nhờ biết chế nỏ liên châu…Vì thế, nên nhìn nhận hiện tượng Mai An Tiêm dưới khía cạnh doanh nhân gắn với hoạt động sản xuất, buôn bán một sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao đương thời. Đó là Dưa bở (Melothria indica) và Dưa thơm (Cucumis melo Linn).
 

Hạt dưa bở được các nhà khảo cổ học khai quật có tuổi trên 2000 năm cách ngày nay
có tên khoa học là Melothria Indica


 
Để minh chứng cho suy nghĩ trên, chúng tôi đặc biệt chú ý đến diện phân bố và số lượng hạt Dưa bở, Dưa thơm trong mộ quý tộc và trong các làng xóm bình dân ở những thế kỷ trước Công nguyên. Những hạt này chứng tỏ việc sử dụng rất phổ biến những loại dưa được trồng trọt và thu hoạch với quy mô đồng nhất về giống, mùa vụ và kích thước. Chúng ta còn có bằng chứng cho thấy vào khoảng trước sau Công nguyên ở Giao Chỉ là thời kỳ bắt đầu xuất hiện việc sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp chuyên biệt, ví dụ trồng quýt (Citrus), trồng sấu (dracontomelon dao Branco), vải (Litchi). Việc trồng quất đã khiên nhà Hán phải đặt ra một chức quan (Quất quan hay Quýt quan) để trông coi việc trồng trọt và khai thác quất cung cấp cho Trung nguyên. Sách Quảng Đông tân ngữ trích dẫn một số sách sử cổ có trước thế kỷ 10 đã từng dẫn lời một viên quan Giao Chỉ nói rằng vào đời Hán, có nhà giàu trồng một mẫu sấu (nhân diện) giá trị bằng hàng chục mẫu lúa. Nhiều nhà đua nhau trồng sấu. Trong thực tiễn khai quật khảo cổ học thì ở rất nhiều mộ táng đương thời đều tìm thấy hạt sấu bên cạnh dưa bở. Tại Động Xá, trong khu vực “vườn sấu” có niên đại 2100 năm, lẫn trong ngổn ngang cành sấu, các nhà khảo cổ học đã thu được gần 30 hạt sấu trong phạm vi 2 dm3 đất.

Rõ ràng nhu cầu tiêu dùng một số loại hình nông sản chuyên biệt đã bắt đầu trở thành hiện tượng phổ biến trong giới quý tộc Đông Sơn Giao Chỉ, trong đó dưa bở, sấu, quýt, mơ mận, dâu da soan, vải … đã có thể chứng minh như những đồ tùy táng “ngon miệng” dành cho người chết sang thế giới bên kia. Nhu cầu tiêu dùng đó đã thúc đẩy một thị trường buôn bán hoa quả chuyên biệt trong xã hội Đông Sơn – tiền đề cho sự ra đời những hoạt động nông trại sản xuất thương phẩm mang tính Doanh nghiệp. Tuy nhiên, sử sách và dân gian chỉ lưu lại hình ảnh của Mai An Tiêm gắn liền với nghề trồng Dưa. Và như đã chứng minh ở trên, đó phải là một loại dưa thương phẩm đã lan truyền khắp vùng Giao Chỉ và Lĩnh Nam, từ dạ dày của quý tộc cao cấp đến những làng xóm bình dân. Vì thế, có thể coi Mai An Tiêm là một biểu tượng của Doanh Nhân trong thời kỳ đầu mở nước.
 
Hiện tượng Doanh Nhân Mai An Tiêm còn gắn với lịch sử khai thác biển đảo của cư dân đồng bằng sông Hồng. Kể từ 3500 năm trước, mực nước biển bắt đầu rút khỏi độ cao +4m cho đến khoảng trước sau Công nguyên thì đạt mức như ngày nay, thậm chí còn thấp hơn ngày nay chừng 1m. Lượng phù sa sông Hồng với hàng trăm triệu mét khối năm đã nhanh chóng mở rộng đất trồng trọt ra biển , đặc biệt ở các cửa sông. Trong đó, luồng cửa sông Đáy và cửa Ba Lạt được coi như là nơi mở rộng nhanh nhất. Câu chuyện “ra đảo” trồng dưa của Mai An Tiêm trong khung cảnh lịch sử đó có thể hiểu là việc khai thác đất bồi dưới dạng các cồn phù sa nổi ngoài biển, nơi có lượng phù sa màu mỡ, đất xốp và độ ẩm cao phù hợp nhất cho trồng dưa quảng canh. Truyền thuyết dân gian nhiều nơi gắn dưa đó với dưa hấu, dưa “tây” nhưng trong thực tế khảo cổ học chỉ thấy sự phổ biến hạt của loài dưa bở , dưa thơm (hạt trắng, nhỏ, vỏ mỏng) có tên khoa học là Melothria indica Lour và Cucumis melo Linn.


TS. Nguyễn Việt

GĐ Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á
Nguồn ảnh minh họa : Internet

 

 

 

OTHERS NEWS



[7/8/2014] Họ Lý trong mộ gạch đầu công nguyên ở Yên Hưng (Quảng Ninh)

[7/8/2014] Những con tàu đắm và vấn đề chủ quyền biển Đông

[7/8/2014] Điều tra khảo sát di sản biển Quảng Ninh bước 1 - Báo cáo sơ bộ (1-10/6/2014)

[5/13/2014] Khảo cổ học tàu đắm cổ ở Bình Châu (Quảng Ngãi)

[6/10/2013] Tau dam

[2/13/2013] Viet cho Xuan Quy Ty

[2/12/2013] Chung cu Khao co hoc ve Banh chung Lang Lieu

[7/2/2012] Tiếp tục phát hiện dấu mòn lối đi cổ 21 ngàn năm tại hang Xóm Trại (xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình)

[6/18/2012] Die Bronzefiguren von Negritos in archäologischer Funstelle von Dong-Son (Thanh Hoa, Vietnam) und in Sa Thay (Kon Tum, Vietnam) gefunden

[6/17/2012] Phát hiện thêm trống Đông Sơn có minh văn "Cửu Chân", mang tên "Phú"

[6/17/2012] The Bronze Figures of Negritos found in archaeological site of Dong Son (Thanh Hoa, Vietnam) and in Sa Thay (Kon Tum, Vietnam)

[6/17/2012] Tượng những người da đen lạ phát hiện ở Đông Sơn (Thanh Hóa)

[5/30/2012] Thap đồng Đông Sơn liên quan đến Triệu Đà

[4/17/2012] Bình đồng có minh văn trong mộ gạch thời Hán ở Nghi Vệ (Bắc Ninh)

[8/23/2011] Minh văn trên trống đồng Đông Sơn khai quật được ở Cổ Loa

[8/18/2011] Phát hiện dấu in lúa nếp nương râu dài trong lòng trống Đông Sơn

[5/26/2010] Khảo cổ Hoàng Thành đường Văn Cao

[5/26/2010] Về lúa cổ Thành Dền nảy mầm

[1/11/2010] Tượng đồng Trần Hưng Đạo

[1/11/2010] Người trao chìa khóa thành Đại La cho Lý Công Uẩn

[1/11/2010] Đền Chèm và tục thờ thần khổng lồ

[3/15/2009] Người văn hoá Hoà Bình ở Xóm Trại đeo trang sức vòng cổ. Hoabinhian necklace

[1/20/2009] Lại phát hiện thêm một viên đá có hình khắc ở Xóm Trại (Tân Lập, Lạc Sơn, Hoà Bình)

[1/7/2009] Một số tác phẩm mỹ thuật thời đại đá cũ mới phát hiện ở hang Xóm Trại (xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình)

[10/27/2008] Phát hiện đường đi và mộ táng văn hoá Hoà Bình tại hang Xóm Trại (Lạc Sơn, Hoà Bình)

[10/1/2008] Những phát hiện mới trong phạm vi bãi cọc Bạch Đằng thuộc xã Yên Giang, huyện Yên Hưng (Quảng Ninh)

Top  |   Print |   Email


 

Web Design by thietkeviet.com - © Copyright 2008 - 2024 by Dr. Nguyen Viet. All rights reserved.